Home » » Vượt Qua Tâm Bão Ly Hôn

Vượt Qua Tâm Bão Ly Hôn

Written By NHÓM RA KHƠI on Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017 | 23:02:00

VƯỢT QUA TÂM BÃO LY HÔN

Nhiều gia đình hiện nay lại coi ly hôn là giải pháp cuối cùng dành cho cuộc hôn nhân tan vỡ. Vì thế, nếu ta biết được những yếu tố hình thành “tâm bão ly hôn”, thì ta cũng có thể góp ý cho các gia đình “vượt qua tâm bão” đó một cách an toàn.



Khi ngồi viết bài này (08/5/2017), tôi xin ông Google góp ý cho hai vấn đề: “Chung thủy” và “Ly hôn”, thì ngay lập tức, ông cho biết: Về vấn đề “Chung thủy” có khoảng 3.370.000 kết quả (trong 0,46 giây). Trong khi vấn đề “Ly hôn” có tới 8.350.000 kết quả (trong 0,34 giây). Chỉ cần so sánh những con số đó thôi, ta cũng có thể biết được mức độ báo động của “Tâm bão ly hôn” trong đời sống gia đình như thế nào. Ly hôn là một “tâm bão” rất mạnh, có tính xã hội rất phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề cho các cá nhân trong cuộc và toàn xã hội. Bởi cơn bão ly hôn sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác nữa, như tàn phá hạnh phúc gia đình, sự phân chia tài sản, ai là người trực tiếp nuôi con, chuyện cấp dưỡng, và sự chấm dứt mọi liên hệ vợ chồng... Ngoài ra, xã hội cũng phải gánh chịu hậu quả triền miên của cơn bão này, như trẻ em bị thất đoạt tình cảm, phát triển tâm lý lệch lạc, bỏ nhà đi lang thang; và tội phạm ở độ tuổi vị thành niên không ngừng gia tăng.

Thế nhưng, nhiều gia đình hiện nay lại coi ly hôn là giải pháp cuối cùng dành cho cuộc hôn nhân tan vỡ. Vì thế, nếu ta biết được những yếu tố hình thành “tâm bão ly hôn”, thì ta cũng có thể góp ý cho các gia đình “vượt qua tâm bão” đó một cách an toàn. Trước tòa án dân sự, các cặp ly hôn thường chỉ trình bày lý do là không hợp nhau. Nhưng đó chỉ là cách nói chung chung, bao gồm nhiều lý do khác. Theo một nghiên cứu mới đây của UBMVGĐ, thì hiện nay có 4 nguyên nhân đang tạo nên “tâm bão ly hôn”. Đó là: Mâu thuẫn về lối sống: 27,7%; ngoại tình: 25,9%; kinh tế: 13%; bạo lực gia đình: 6,7% (http://www.ubmvgiadinh.org).

Nguyên nhân thứ nhất dẫn đến ly hôn là do mâu thuẫn về lối sống. Tình trạng này chiếm tỷ lệ cao nhất: 27,7%. Nhiều người cho rằng, mâu thuẫn về lối sống là sự tất yếu của xã hội hiện nay, vì khi mỗi người cố gắng thể hiện cá tính và suy nghĩ của mình, thì chắc chắn sẽ có vấn đề mâu thuẫn. Riêng trong đời sống hôn nhân, nếu vợ chồng lại coi trọng “cái tôi” hơn là gia đình, rồi thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau, thì đương nhiên sẽ có sự bất đồng. Những bất đồng nho nhỏ mà không có sự thông cảm và tha thứ, sẽ tích tụ lại dần dần thành một quả bom nổ chậm. Và việc gì phải đến, sớm muộn cũng sẽ đến. Thực vậy, sự bất đồng về quan điểm, về lối sống, nhiều khi không đến từ "những sự cố ý" hay “khác tính tình”, mà xuất phát từ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, do tự ái, hiếu thắng, do không kiềm chế được lời nói, cảm xúc và hành động... rồi dẫn đến việc gây tổn thương cho người bạn đời. Nhiều trường hợp giận hờn, chiến tranh lạnh lâu ngày thành ra ức chế, dẫn đến việc vợ chồng liều mình rơi vào “tâm bão ly hôn”. Thế là lời hứa sống chung thủy với nhau của họ tự thuở ban đầu có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. (http://www.baomoi.com/nguyen-nhan-dan-den-ly-hon).

Ngày nay “tâm bão ly hôn” đang có chiều hướng trẻ-hóa. Thí dụ, trong năm 2016, tòa án hai cấp của TP.Cần Thơ đã tiếp nhận 3.120 vụ án ly hôn. Bình quân mỗi ngày có gần 10 vụ án ly hôn, tăng 9,13% so với cùng kỳ. Điều muốn nói ở đây là: Số vụ ly hôn diễn ra khi độ tuổi của các cặp vợ chồng còn khá trẻ. Bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn, thì có 1 cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỷ lệ cao, và năm sau luôn tăng hơn năm trước…(http://laodong.com.vn/ban-doc/khi-nguoi-tre-ru-nhau-ra-toa-ly-hon). Mặt khác, thống kê còn cho biết: Hiện nay, tình trạng người vợ đứng đơn ly hôn chiếm 47%. Người chồng đứng đơn ly hôn chiếm 40%. Cả hai vợ chồng cùng đứng đơn chỉ chiếm 13%. Điều đó cho thấy, tỷ lệ phụ nữ chủ động đi vào tâm bão ly hôn đang gia tăng. Đồng thời chứng tỏ đang có một sự thay đổi rất mạnh về quan niệm sống, về rào cản giới tính, cũng như về vai trò của người phụ nữ trong xã hội.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến ly hôn là do ngoại tình. Nguyên nhân này chiếm 25,9%. Đây là một con số không nhỏ. Thực vậy, chẳng ai muốn ở lại bên người đã từng lừa dối mình, đã phản bội mình. Vì thế, người ta mới nói: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Đành rằng mọi người đều có khả năng thay đổi, nhưng không ai dám chắc sự lừa dối và phản bội là chuyện có thể đổi thay. Phải chăng đó cũng là ý nghĩa của câu nói: “Một lần lừa dối, mãi mãi lừa dối”. Ngoại tình có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tất cả đều dẫn đến sự phá hủy hạnh phúc gia đình, khiến vợ chồng lao mình vào vòng xoáy của “tâm bão ly hôn”. Nếu để ý, ta thấy có một sự khác nhau về giới tính trong chuyện ngoại tình và ly hôn. Chẳng hạn, số đàn ông ngoại tình dẫn đến ly hôn thường thấp hơn số phụ nữ ngoại tình dẫn đến ly hôn. Tại sao vậy? Thưa, vì người phụ nữ có thể dễ dàng bỏ qua cho sự không chung thủy của người đàn ông. Ngược lại, người đàn ông lại rất khó chấp nhận sự phản bội của phụ nữ. Vì thế, khi người phụ nữ ngoại tình, thì dường như họ đã hình dung trước được hậu quả của hành động ấy. Do đó họ sẽ dễ dàng chấp nhận việc ly hôn hơn.

Kinh nghiệm cho biết, khi trái tim của ai đó bị lỡ nhịp đập, hoặc tình yêu của họ đã phai mờ theo năm tháng, thì người ấy có xu hướng ngoại tình. Họ muốn tìm một chỗ dựa, một bờ vai, để có thể chia sẻ đôi chút buồn vui của cuộc sống; đồng thời ẩn tìm một cảm giác mới lạ, chứ chưa chắc là họ đã tin yêu nhau thực sự. Bởi lẽ, đã ngoại tình thì không bao giờ có khái niệm tin yêu người khác. Tất cả chỉ là giả tạo. Hay nói cách khác, đó chỉ là cách để thỏa mãn mục đích cá nhân, chứ không thể đổ lỗi cho vợ hay cho chồng. Vì nếu họ chung thủy với người bạn đời của mình, thì cho dù có khó khăn, có cực khổ đến mấy, họ cũng sẽ cùng nhau vượt qua tất cả, kể cả vượt qua “tâm bão ly hôn”. (http://www.blogthamtu.com/2016/02/ngoai-tinh-nguyen-nhan-chinh-khien-hon.html).

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến ly hôn là do kinh tế. Có lẽ ta không bất ngờ về điều này lắm, khi tỷ lệ ly hôn vì lý do kinh tế chiếm tới 13%, vì xưa nay tiền bạc vẫn là vấn đề lớn trong các cuộc hôn nhân. Ngay cả các cặp vợ chồng khá giả, và đã chung sống với nhau một thời gian dài, vẫn gặp những bất đồng mạnh mẽ về chuyện tiền bạc, chi tiêu, hay tiết kiệm. Phải nói ngay rằng, sự bất bình đẳng về tài chính là lý do ẩn mình đằng sau những cuộc ly hôn. Nếu xưa kia, người ta thường nói đến chuyện “môn đăng hộ đối”, như một điều kiện để có thể kết hôn, thì ngày nay, chuyện “môn đăng hộ đối” cũng là lý do để họ ly hôn. Thực vậy, tình trạng ly hôn vì lý do kinh tế càng ngày càng tăng. Nó bắt nguồn từ những mâu thuẫn về mức thu nhập của vợ chồng; về việc vợ hoặc chồng dành nhiều thời gian cho công việc, mà thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho nhau. Mặt khác, tình trạng công nhân đi làm xa, vợ chồng mỗi người một nơi, thường xuyên tăng ca, nên không có thời gian trao đổi công việc, nuôi dạy con cái, sinh hoạt vợ chồng. Điều đó dẫn đến tình cảm ngày càng lạnh nhạt, xa lánh nhau, dễ gây ngộ nhận, thậm chí không thể hòa giải… Vậy là đường ai nấy đi.

Nguyên nhân thứ bốn dẫn đến ly hôn là do bạo lực gia đình: Nguyên nhân này chiếm đến 6,7% các vụ ly hôn. Trong thực tế, khi cái đói cái nghèo cứ đeo bám cuộc sống, thì con người rất dễ sinh ra cục cằn; và bạo lực gia đình là điều tất yếu xảy ra. Bên cạnh các hình thức bạo lực về thể chất dễ ghi nhận, bạo lực gia đình còn diễn ra trên phương diện tinh thần, lối xử sự mang tính gia trưởng, cấm vận kinh tế, bạo lực tình dục… với nhiều hành vi mà phần lớn là khó nhận diện, hoặc không được xã hội nhận thức đầy đủ như là một hành vi bạo lực gia đình. Khi tình trạng mâu thuẫn, xung đột, bạo lực kéo dài triền miên từ năm này sang năm khác, thì ly hôn là điều tất nhiên. Đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình, thì chuyện ly hôn là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều. Ban đầu nạn nhân thường không nghĩ và cũng không tính đến việc ly hôn. Họ có xu hướng chịu đựng, để che dấu sự bất ổn trong gia đình, mong gia đình được đoàn tụ, để con cái có cả cha và mẹ. Nhưng đến một lúc nào đó, họ không thể chịu đựng được nữa, thì “con giun xéo lắm cũng quằn”. Lúc đó, liều mình đi vào “tâm bão ly hôn” được xem như là một giải pháp để giải phóng chính bản thân họ và con cái họ. Một khi đã “tức nước vỡ bờ”, thì sự ly hôn chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Hậu quả của nạn nhân bạo lực gia đình là rất lớn. Phần đông họ đều bị tổn thương về sức khỏe và tinh thần, khiến khả năng lao động suy giảm, đầu óc hay căng thẳng, thậm chí bị rối loạn tâm thần... Tuy nhiên, một hậu quả khác còn nghiêm trọng và lâu dài hơn, đó là ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách, và hình thành xu hướng sử dụng bạo lực của các thế hệ tiếp theo trong gia đình, để trả thù đời, hận tình người; thậm chí đánh mất cả niềm tin.

Kết luận: Một trong những cơn bão gia đình có sức tàn phá khủng khiếp nhất hiện nay là ly hôn. Có bốn nguyên nhân góp phần tạo nên “tâm bão ly hôn”, đó là: (1) mâu thuẫn về lối sống, (2) ngoại tình, (3) kinh tế, (4) và bạo lực gia đình. Để có thể vượt qua tâm bão ác nghiệt này, thiết tưởng các đôi hôn phối nên đồng tâm nhất trí với nhau, sống chung thủy với lời hứa hôn nhân và quyết tâm bảo vệ hạnh phúc gia đình. Hãy sống lời Kinh Thánh: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel phán: Ta ghét sự ly dị; và Ta cũng ghét kẻ mang lớp áo bạo hành như thế đối với vợ. Vậy tâm thần các ngươi hãy cẩn thận, và đừng bội bạc” (Malaki 2,16).

Đóa Hoa Vô Thường


Share this article :

Đăng nhận xét

CÁC LỄ ĐĂNG QUANG GIÁO HOÀNG

TỰ ĐIỂN ANH VIỆT-VIỆT ANH

Vietnamese Dictionary

NGHE ĐỌC CHUYỆN TAM QUỐC

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Ra Khơi Cùng Mẹ - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger