Cách thị trấn miền biển Kusadasi (Thổ Nhĩ Kỳ) trên bờ tây của biển Aegea khoảng 27 km là một địa điểm linh thiêng trong các chuyến hành hương của cả tín hữu Công giáo lẫn Hồi giáo.
Nơi đây tọa lạc Meryem Ana Evi, tức “Ngôi nhà của Đức Mẹ Maria Đồng Trinh”, trên núi Koressos thuộc vùng Ephesus. Tương truyền, Đức Mẹ Maria đã được Thánh sử Gioan đưa đến cư ngụ tại ngôi nhà bằng đá này cho đến ngày Đức Mẹ lên trời.
Ngôi nhà của sự nhiệm mầu
Ngôi nhà khiêm tốn có cấu trúc toàn bằng đá, được xây dựng theo kiến trúc La Mã thời xưa, và hiện đã trở thành nhà nguyện nhỏ. Các nhà khảo cổ học giám định nơi này cho rằng hầu hết cấu trúc có niên đại từ thế kỷ VI hoặc VII, trong khi nền tảng của nó có thể còn xa hơn gấp nhiều lần, và có lẽ có niên đại từ thế kỷ thứ nhất, tức vào thời Đức Mẹ Maria còn tại thế. Theo thời gian, phần còn lại của ngôi nhà được người đời sau bổ sung, như các cảnh quan sân vườn và kiến trúc phía ngoài.
Vào mùa hè trong năm, những hàng người dài dằng dặc nối đuôi nhau đến đỉnh Koressos, chờ đợi đến lượt mình tiến vào nhà nguyện nổi tiếng. Khi bước vào, người hành hương sẽ thấy trước mặt là hai hàng ghế hai bên, nơi bạn có thể quỳ xuống và cầu nguyện. Một số người lại chọn quỳ trước bàn thờ. Trên bàn thờ có đặt một bức tượng nhỏ của Đức Mẹ Đồng Trinh, xung quanh là những đóa hoa đầy màu sắc. Thông thường, không được phép chụp ảnh bên trong nhà nguyện, trừ trường hợp đặc biệt như các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Bên ngoài ngôi nhà có một “bức tường ước nguyện”, trên đó treo đầy những tờ giấy hoặc mảnh vải ghi lại những mong ước chân thành của người hành hương đến nơi này. Một đài phun nước gần đó được kể rằng có thể chữa lành bệnh tật hoặc mang lại khả năng làm mẹ cho phụ nữ.
Bức tường ước nguyện |
Sự phát hiện kỳ diệu
Theo sách của tác giả người Đức Clemens Brentano (1778-1842), ngôi nhà này được phát hiện vào thế kỷ 19 theo sự mô tả trong thị kiến của Chân phước Anne Catherine Emmerich (1774-1824), nữ tu dòng thánh Augustinô ở Đức. Chân phước Emmerich từ năm 1802 cho đến khi qua đời đã mang trên người các vết thương của mão gai, và từ năm 1812, có hẳn dấu thánh trên ngực và một vết thương tương đồng với vết giáo đâm. Nhà văn Brentano, đã gặp nữ tu vào năm 1818 và túc trực bên cạnh cho đến khi bà mất vào năm 1824, ghi chép lại các thị kiến về những ngày cuối đời của Chúa Giêsu, cũng như chi tiết về cuộc đời Đức Mẹ Maria và chuyến di cư của Mẹ tới Ephesus từ khoảng 2.000 năm trước.
Nhờ vào một trong những thị kiến được ghi lại, linh mục người Pháp tên Julien Gouyet vào năm 1881 đã tìm đến ngôi nhà của Đức Mẹ Maria Đồng Trinh. Theo Wikipedia, Chân phước Emmerich từng mô tả ngôi nhà là do thánh Gioan Tông đồ đã xây dựng ở Ephesus cho Đức Maria, nơi mà Mẹ đã cư ngụ cho tới khi về với Chúa. “Đức Maria không cư ngụ ở Ephesus, nhưng ở một nơi gần đó... Nhà Đức Maria ở trên một ngọn đồi phía bên trái con đường hướng đến Jerusalem, cách Ephesus khoảng 3 giờ rưỡi. Ngọn đồi này dốc đứng về phía Ephesus.... Những đường đi bộ hẹp dẫn về phía nam tới ngọn đồi gần đỉnh của nó là một cao nguyên không bằng phẳng, đi mất khoảng nửa giờ”.
Chân phước Emmerich cũng mô tả các chi tiết khác của ngôi nhà, chẳng hạn như được xây bằng những viên đá hình chữ nhật, các cửa sổ đặt cao lên gần mái nhà bằng phẳng và ngôi nhà gồm 2 phần với nền bếp lò ở giữa ngôi nhà. Ngài còn tả thêm vị trí của các cửa ra vào, hình dạng của ống khói ... Cuốn sách liệt kê các chi tiết trên có tựa đề “The Life of the Blessed Virgin”, được xuất bản năm 1852 ở München, Đức.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viếng thăm ngôi nhà |
Các chuyến thăm của nhiều Giáo Hoàng
Giáo hội Công giáo chưa hề công nhận hoặc bác bỏ tính xác thực của ngôi nhà vì thiếu chứng cứ khoa học cụ thể. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, vào năm 1896, đã làm phép cho đoàn hành hương đầu tiên đến viếng nơi này, chứng tỏ quan điểm tích cực của Giáo hội đối với ngôi nhà lịch sử tại Ephesus. Bản thân ngài cũng đích thân viếng thăm ngôi nhà. Đến thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, vào năm 1951, dựa trên tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đã gọi ngôi nhà của Đức Mẹ Maria Đồng Trinh là thánh địa, và Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII sau đó đã xác thực vĩnh viễn sự công nhận đó cho nơi này.
Liên tiếp nhiều Giáo Hoàng đã đến thăm địa điểm thánh thiêng của Đức Mẹ. Chân phước Phaolô VI đã tới viếng ngày 26.7.1967, sau đó là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ngày 30.11.1979, còn Đức Bênêđictô XVI cũng theo bước những người tiền nhiệm khi đến nơi này ngày 29.11.2006 nhân chuyến tông du 4 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Manh mối từ Kinh Thánh
Thánh sử Gioan viết lại, Chúa Giêsu trước khi chịu khổ hình trên thập giá đã tin tưởng nhờ cậy ngài chăm sóc mẹ mình. “Đây là mẹ của con”, và kể từ giây phút đó, thánh Gioan đã xem Đức Maria như mẹ ruột. Sách Công vụ tông đồ sau đó đã ghi lại số phận của các thánh tông đồ sau khi Chúa Giêsu qua đời. Thánh Stêphanô bị ném đá đến chết vào năm 37. Thánh Giacôbê bị chặt đầu vào năm 42. Và những vị thánh tông đồ khác bắt đầu việc rao giảng Lời Chúa. Thánh Gioan truyền giáo tại Tiểu Á, và ngài đã đưa Đức Maria theo để bảo vệ.
|
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc
Đăng nhận xét