CŨNG LÀ MỘT KẺ KIÊU NGẠO
Người kiêu ngạo thường là người luôn mất
bình an. Trong đầu họ có rất nhiều lo sợ: sợ sẽ mất những gì mình có. Loại
người thứ nhất sợ mất tiền mất danh.
Chắc chắn là chẳng ai trong chúng ta thích người kiêu ngạo. Người
kiêu ngạo thường có những lời nói, thái độ, cách hành xử làm cho chúng ta thấy
khó chịu, muốn xa lánh, chẳng thích tiếp xúc. Có đôi khi, ta chẳng muốn nói
chuyện hay có tương quan với họ, vì sợ mình “chịu không nổi” cái thói ngông
nghênh của người đó, rồi sinh chuyện không hay. Người kiêu ngạo là loại người
cho rằng mình là đỉnh cao của vũ trụ, là trung tâm của muôn loài, đứng trên
người khác. Có lẽ chẳng cần phải nói quá nhiều về kiêu ngạo, vì chúng ta ít
nhiều đã có kinh nghiệm về nó, nơi người khác cũng như nơi bản thân mình. Có
điều, kiêu ngạo cũng có nhiều kiểu: đôi khi ta nhận thấy nó rất rõ ràng, nhưng
cũng có lúc, nó ẩn sâu bên trong, đội lốt một dáng vẻ rất thánh thiện và khiêm
nhu, tưởng là tốt, nhưng hoá ra lại rất đáng sợ.
Thường thì người ta kiêu ngạo vì trong tay mình đang sở hữu nhiều
thứ, đặc biệt là tiền tài và danh vọng. Càng có nhiều tiền, người ta thường có
xu hướng cho rằng mình cao hơn người khác, cái gì cũng phải khác người một
chút: áo quần đắt tiền, nhà cửa sang trọng với những thú chơi, bộ sưu tập
quý giá… Danh tiếng là một cám dỗ cực kỳ lớn đối với bất cứ ai, vì tự sâu thẳm
trong lòng, người nào cũng thích mình được nổi tiếng, được người khác biết đến,
nể trọng. Đối với nhiều người, mất tiền mất bạc thì còn có thể chấp nhận được,
chứ mất đi danh dự là mất tất cả… Cũng dễ hiểu thôi khi người ta ở vị trí cao
như thế này, nhìn đến những người khác với một con mắt bâng quơ, không để ý.
Những người giàu và có tiếng tăm thường tự xếp mình vào một đẳng cấp khác, một
thế giới khác, chỉ có họ mới có thể làm bạn với nhau. Đi cùng với một người
nghèo hơn có thể sẽ là một nỗi sỉ nhục với họ. Cái kiêu ngạo này dễ thấy, nhưng
không làm người khác quá khó chịu nếu không ảnh hưởng gì đến họ.
Có một kiểu kiêu ngạo khác nằm trên bình diện tư tưởng. Đó là loại
người luôn cho mình là đúng. Dù có khi biết rõ mình sai, họ vẫn cố tìm lý do để
biện hộ cho mình. Họ tự đồng hoá mình với chân lý, và bắt người khác phải đồng
thuận với mình. Người nào có ý kiến trái ngược với mình là sai. Có đôi khi họ
trở nên ngang ngược đến độ bất chấp tất cả, tự phong cho mình là người phán xử
mọi sự đúng sai trong trời đất. Họ cho rằng mình có học thức, đọc nhiều sách
thánh hiền, đã từng đặt chân đến nhiều vùng đất khác nhau, nói được nhiều ngôn
ngữ, trải qua nhiều kinh nghiệm máu xương. Đây cũng giống như một kiểu quá tự
hào về bản thân mình, về quá khứ hào hùng của mình, cho rằng mình quá hoàn hảo,
không ai bằng mình. Cái kiểu kiêu ngạo này thể hiện qua cách họ ăn nói, dạy
đời, chê bai người khác, bắt bẻ người nọ, tâng bốc bản thân và lấy mình làm mẫu
gương cho tất cả mọi người. Kiểu người này thường ít có bạn bè, vì chẳng ai
muốn nói chuyện với người “chẳng biết thông thái bao nhiêu mà cứ thích khuyên
răn dạy dỗ”.
Loại kiêu ngạo thứ ba là loại tôi sợ nhất, vì nó không toát ra bên
ngoài dáng vẻ gì của sự khó ưa khó chịu cả. Trái lại, xem ra, nó có vẻ rất tốt
đẹp nữa. Loại kiêu ngạo này thường không ảnh hưởng nhiều đến người khác, mà chỉ
tồn tại trong lãnh vực nội tâm mà thôi. Đó là loại người cho rằng mình là người tội lỗi
nhất thế gian, không ai trên trái đất này xấu xa hơn mình và chẳng thể nào mình
trở thành người tốt được. Con người nào cũng đã từng phạm những lỗi
lầm gì đó, dù ít dù nhiều, dù nặng dù nhẹ. Biết mình có tội là một sự ý thức
đúng đắn, và cũng là khởi đầu cho một hành trình biến đổi bản thân. Nhưng tự
đặt mình ở vị trí “nhất” thì đã trở thành kiêu ngạo rồi: giống hệt như một kiểu
“tự hào về tội lỗi” của mình vậy. Dĩ nhiên, ta phải chịu trách nhiệm về những
gì xấu xa đã gây ra. Nhưng có chắc tội bạn phạm là nặng nhất thế gian không?
Sao bạn biết? Bạn nghĩ những gì bạn phạm ghê gớm đến thế à? …
Tôi gọi đó là kiêu ngạo vì nó bao hàm một thái độ chống lại Tạo
Hoá. Nếu để ý, ta sẽ thấy trong kiểu kiêu ngạo này một thái độ tự ti đến độ
đánh mất đi cả hy vọng và cho rằng sự xấu mà ta phạm lớn hơn tình yêu mà Tạo
Hoá dành cho ta. Tạo Hoá là nguồn của sự sống, nơi Ngài luôn làm phát sinh sự
sống, sự lớn lên, sự tái tạo, bắt đầu. Cho rằng mình xấu xa đến độ không thể
trở nên tốt hơn cũng đồng nghĩa với việc nói rằng sự sống của Tạo Hoá chẳng còn
tác dụng gì với mình, mình đã đến tận cùng của cái xấu rồi và ngay cả Tạo Hoá
cũng không thể làm gì hơn để giúp mình. Đó chẳng phải là kiêu ngạo sao? Những
gì đã qua là đã qua. Ta nhìn về quá khứ để rút kinh nghiệm và bắt đầu lại, chứ
không phải bị giam mình trong những cái của ngày xưa ấy.
Người kiêu ngạo thường là người luôn mất bình an. Trong đầu họ có
rất nhiều lo sợ: sợ sẽ mất những gì mình có. Loại người thứ nhất sợ mất tiền
mất danh. Loại người thứ hai sợ có lúc nào đó mình mắc sai lầm và hình tượng
của mình bị sụp đổ. Loại người thứ ba thì sợ khi có ai đó nhắc đến một tương
lai tốt đẹp, hệt như tên tù nhân tự giam mình trong ngục tối, tự dày vò làm khổ
bản thân, trong khi chẳng ai ở ngoài kia để ý đến. Kỳ thật thì, mặt trời vẫn
mọc mỗi ngày, mọi cái vẫn cứ chuyển vần theo chu trình của nó. Thế gian này
rộng lớn lắm, hàng tỷ con người cư ngụ trong đó cũng có biết bao nhiêu việc
phải làm. Cũng chẳng có mấy ai rảnh rỗi đến độ bỏ cả một đời để tôn sùng mình vì
mình có tiền có danh. Cũng chẳng ai bỏ công sức để nghe những bài dạy đời của
ta. Và cũng chẳng có mấy người bận tâm đến câu chuyện quá khứ của ta làm gì, nó
xấu đẹp thế nào, có nặng nhất thế gian hay không. Người ta biết đó, có thể có
một vài đàm tiếu, rồi cũng để đó cho nó chìm vào quên lãng thôi.
Từ đây, tôi tự đặt câu hỏi: vậy khiêm nhường nghĩa là gì? Là một
thái độ biết rằng những gì mình có là lãnh nhận; biết rằng mình có thể sai và
cần phải học hỏi thêm; và biết rằng dù mình có tội lỗi đến đâu, phía trước vẫn
luôn có một con đường để tiếp tục tiến bước.
Đăng nhận xét