Home » » Giai Thoai Nhỏ-Một Bài Học Lớn

Giai Thoai Nhỏ-Một Bài Học Lớn

Written By NHÓM RA KHƠI on Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018 | 14:11:00


Văn phòng giám đốc đại học Harvard, một ngày cuối thế kỷ 19. Một cặp vợ chồng rụt rè xin gặp ông giám đốc. Cô thư ký nhìn vẻ quê mùa của hai người khách, chiếc quần sờn gấu của ông và bộ quần áo bình dân của bà, trả lời: ông giám đốc rất bận, chỉ tiếp khách có hẹn. Đúng ra, ông chỉ quen tiếp những trí thức danh tiếng, những người gia thế, có vai vế trong xã hội.
Hai người khách nhất định xin được ở lại chờ, vì có chuyện muốn nói. Xế chiều, ông giám đốc Harvard mới hết khách, xách cặp ra về. Cặp vợ chồng xin được thưa chuyện vài phút. Ông bà cho hay người con trai duy nhất của họ, sinh viên năm đầu của trường, vừa chết vì bệnh thương hàn, và muốn dựng một cái gì để tưởng nhớ đứa con.
Ông giám đốc thông cảm cái đau buồn của khách, nhưng trả lời: ông bà thử tưởng tượng, nếu mỗi gia đình có tang xây một mộ bia, bồn cỏ nhà trường sẽ thành một nghĩa trang. Ông khách nói: chúng tôi không muốn xây mộ bia. Chúng tôi muốn nhân danh con, xây tặng một giảng đường, hay một nhà nội trú.
Ông giám đốc nhìn bộ quần áo bình dân, vẻ quê mùa của khách, mỉm cười: ông có biết xây một giảng đường tốn hàng trăm ngàn Mỹ kim? Bà khách nhìn chồng, nhỏ nhẹ: Nếu chỉ có vậy, tại sao mình không dựng luôn một trường đại học?
Hai ông bà ra về. Ít lâu sau, trường đại học Stanford ra đời và trở thành một 3 đại học uy tín nhất thế giới. Ông giám đốc Harvard không biết mình vừa tiếp hai vợ chồng tỉ phú Stanford, vua xe lửa, sau này trở này trở thành Thống đốc California.

Thống đốc Leland Stanford và vợ, bà Jane Lathrop Stanford, cùng cậu con trai Leland Stanford Jr. Ảnh chụp năm 1878. Nguồn: Stanford University


Trả lại cho xã hội
Giai thoại trên đây về Leland và Jane Stanford được kể đi kể lại, nói lên nhân sinh quan đặc biệt của người Tây Phương, với phương châm được dạy dỗ và thấm nhuần từ nhỏ: trả lại cho xã hội những gì đã nhận được của xã hội.
Khía cạnh văn hóa đó giải thích tại sao ở Hoa Kỳ và Bắc Âu có những nhà tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Zuckerberg dành những ngân khoản khổng lồ làm việc từ thiện, tài trợ những dự án có công ích, trong khi ở những xã hội khác, những người giầu có, nhất là mới giầu, chỉ biết khoe của, phung phí một cách lố bịch, nham nhở.
Những ông bà hoàng dầu lửa, keo kiệt, tàn nhẫn với gia nhân, nhất là di dân lao động, không biết dùng tiền bạc làm gì hơn là phòng tắm, cầu tiêu bằng vàng, xây cất những trường đua ngựa vĩ đại với bồn cỏ xanh giữa sa mạc, ở một xứ Hồi giáo cấm cờ bạc, cấm đánh độ.
Những tỷ phú Tàu xây lại lâu đài Versailles hàng trăm phòng cho hai vợ chồng với một cậu cả.
Những nhà độc tài Phi châu dựng lại nhà thờ Vatican giữa một biển nghèo đói, dùng máy bay riêng chở thợ may, thợ đóng giầy nổi tiếng từ Paris, từ Rome (Roma) tới may bộ quần áo giá cắt cổ thứ 200, hay áo lông (fourrure) cho các mệnh phụ sống ở những xứ nóng như lửa.
Hai tư duy khác nhau, đưa tới hai xã hội khác nhau: một bên thịnh vượng, tiến bộ, một bên nghèo đói, lạc hậu.
Từ kinh doanh tới việc nghĩa
Những nhà triệu phú Mỹ, khi kinh doanh, không ngần ngại dùng bất cứ thủ đoạn nào để thành công, kể cả đánh gục đối thủ cạnh tranh, để chiếm độc quyền. Đó cũng là một khía cạnh của văn hóa Tin lành: không có mặc cảm với tiền bạc, với thương mại.
Đó là một yếu tố văn hoá, nhưng nó giải thích phần nào cho sự thành công kinh tế của những nước như Hoa Kỳ, Bắc Âu. Văn hoá Tin Lành đã tạo ra những xứ tư bản Tây Phương.
Người Tin lành không che dấu chuyện đã làm ra tiền, coi đó là dấu hiệu của thành công. Gặp người Mỹ, vài giờ sau biết họ lãnh bao nhiêu dollars mỗi năm, có bao nhiêu cái nhà, cái xe
Văn hoá Thiên Chúa giáo có mặc cảm với tiền bạc. Không bao giờ người Pháp nói về lương bổng của mình, ít khi phô trương, gần như muốn che dấu nếu thành công trong đời.
Người Mỹ áp dụng những phương pháp hữu hiệu để kinh doanh, để làm giầu, nhưng khi đã thành công rồi, nghĩ tới việc trả lại cho xã hội những gì đã nhận của xã hội.
Khi Bill Gates trình bày với vợ, con về dự án dùng trên 40 tỷ dollars cho Foudation Bill & Melinda Gates, và quyết định chỉ để lại cho mỗi người con 10 triệu (ít quá, khó thành công; nhiều quá, chỉ làm hư con cái), cả bà vợ và các con đều vui vẻ chấp nhận. Bởi vì họ được dạy dỗ, thấm nhuần văn hoá đó từ nhỏ.
Khi Bill Gates nói về dự án của mình, Warren Buffet đã hưởng ứng ngay, đóng góp phần lớn gia sản kếch sù cho Foudation Gates. Trên 50 tỷ phú, đa số là người Mỹ, đứng đầu là Zuckerberg, đã noi gương Bill Gates
Các trường đại học Mỹ hay Anh đều giầu có, với những ngân sách khổng lồ, ngang với ngân sách một quốc gia nhỏ, mà nhà nước không tốn một xu, bởi vì những cựu sinh viên khi đã thành công ngoài đời đều quay lại, tự nguyện đóng góp. Đối với họ, đó là một chuyện tự nhiên, khỏi cần ai kêu gọi. Không làm, mới là chuyện bất bình thường.
Đơn giản như vậy, nhưng đem áp dụng ở những nước khác, rất khó. Phải bắt đầu bằng sự thay đổi văn hóa, thay đổi tư duy. Và văn hoá, không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là chuyện của hàng thế hệ.
Tinh thần “trả lại cho xã hội” giải thích tại sao vai trò của xã hội dân sự cực kỳ quan trọng trong các xã hội Tây Phương. Nó nhân bản hóa các xã hội tư bản.
Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, tiêu biểu cho chế độ tư bản, nó xoa dịu những bất công của một xã hội cạnh tranh, mạnh được yếu thua. Đó là hai khuôn mặt mâu thuẫn của tư bản Tây Phương. Mâu thuẫn hay bổ túc lẫn nhau.
Những foundations tư nhân, nhan nhản khắp nơi, với những số tiền nhận được ở khắp nơi gởi giúp, trợ cấp học bổng, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật văn hoá, giúp đỡ người nghèo, người sa cơ lỡ vận.
Từ gia đình tới xã hội
Người Tây Phương, có tinh thần cá nhân chủ nghĩa, nhưng không ích kỷ như chúng ta nghĩ.
Rất nhiều người tích cực và nghĩ đến người khác, coi việc giúp đỡ người khác, cải thiện xã hội là một bổn phận.
“Our children”
Hai ông bà Stanford, khi cậu con cưng chết, quyết định: từ nay, tất cả những đứa con California sẽ là con mình. “The children of California shall be our children”.
Ở Pháp, những bà mẹ có con thơ ấu chết vì tai nạn xe hơi, thay vì ngồi than trời oán đất, hay oán thù người gây tai nạn, đã thành lập một hội rất thế lực, Ligue Contre La Violence Routière (Hội chống lại bạo lực lưu thông) hoạt động tích cực đòi quốc hội, chính phủ ban hành những luật lệ hạn chế vận tốc, kiểm soát, trừng phạt những người lái xe sau khi uống rượu, hút cần sa ma túy, mở những lớp về an ninh lưu thông, hỗ trợ các gia đình nạn nhân.
Các nạn nhân khủng bố lập những hội tương trợ các nạn nhân như mình. Một phụ nữ Pháp, thoát chết trong cuộc khủng bố Hồi giáo ở Paris, nói: chưa bao giờ tôi hạnh phúc hơn, vì có một gia đình trên 200 người.
Có người trong gia đình chết vì ung thư, họ lập những hội giúp bệnh nhân ung thư.  Những người cựu SDF, khi có công ăn việc làm, mở hội giúp những người vô gia cư. Người có con chết vì ma túy, gia đình tan nát vì rượu chè, bỏ tiền bạc, giúp những người nghiện ngập. Họ làm việc đó tận tụy, âm thầm, coi như chuyện đương nhiên, ngạc nhiên khi có người ngạc nhiên trước các nghĩa cử đáng khâm phục đó

Những thí dụ đó nhan nhản, ở mỗi góc phố, đếm không xuể.
Share this article :

Đăng nhận xét

CÁC LỄ ĐĂNG QUANG GIÁO HOÀNG

TỰ ĐIỂN ANH VIỆT-VIỆT ANH

Vietnamese Dictionary

NGHE ĐỌC CHUYỆN TAM QUỐC

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. Ra Khơi Cùng Mẹ - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger